Tỷ phú làm giàu từ hai bàn tay trắng: Larry Ellison
Tài sản: 28 tỷ USD (đầu năm 2010)
Lawrence Joseph Ellison (thường gọi là Larry Ellison) sinh ngày 17/8/1944 tại New York. Ông chưa bao giờ biết bố đẻ của mình là ai. Người mẹ chưa kết hôn của ông, Florence Spellman, 19 tuổi, đã để ông lại cho người dì ở Chicago nuôi dưỡng. Dì Lillian Spellman Ellison và chồng là Louis Ellison đã nhận nuôi Ellison từ khi ông mới 9 tháng tuổi. Ellison thậm chí không biết tên của mẹ đẻ, và cũng không gặp bà cho tới tận khi ông 48 tuổi. Vào đầu năm 1990, ông đã mua cho mẹ đẻ một ngôi nhà gần trụ sở của Oracle. Mẹ đẻ của ông mất vì bệnh ung thư năm 1999.
Ellison sống trong một căn hộ có 2 phòng ngủ. Cho đến năm ông 12 tuổi, ông vẫn không hề biết mình chỉ là con nuôi. Bố nuôi của ông bị mất việc làm trong ngành bất động sản, và sống cuộc sống khiêm tốn với nghề biên tập cho một nhà xuất bản. Khi còn bé, Larry Ellison thể hiện tính cách độc lập. Ông thường xuyên gây lộn với bố nuôi.
Song ngày ấy, Ellison đã thể hiện năng lực về môn toán và khoa học. Ông từng là sinh viên khoa học của trường Đại học Illinois. Nhưng trong kỳ thi cuối của năm học thứ 2, mẹ nuôi của ông mất, và ông bỏ học luôn. Ellison tiếp tục ghi tên học tại trường Đại học Chicago ngay mùa thu sau, song ông lại bỏ học sau 1 học kỳ, vào hồi những năm 1960. Bố nuôi của ông lúc bấy giờ luôn nghĩ rằng Larry chẳng bao giờ làm được gì, chỉ là một thanh niên lêu lổng, không mục đích. Nhưng ông đã học được những kỹ năng cơ bản của một người lập trình máy tính. Ông đã mang theo kỹ năng này đến Berkeley, California với số tiền vừa đủ cho một bữa ăn nhanh và vài lít xăng. Trong 8 năm tiếp theo, Ellison liên tục nhảy việc. Cuối cùng, giữa những năm 1970, ông đã làm việc như một nhà lập trình máy tính cho tập đoàn điện tử Mỹ Ampex Corporation. Dự án đầu tiên của ông cho Ampex là tạo ra một cơ sở dữ liệu cỡ lớn cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cơ sở dữ liệu đó có tên mã là "Oracle".
Khởi nghiệp chỉ với 8 nhân viên vào năm 1980 và doanh thu chưa đến 1 triệu đô la nhưng Oracle đã lớn mạnh một cách không thể tưởng tượng nổi. Doanh thu của Oracle đã tăng gấp đôi mỗi năm trong 7 năm tiếp theo với 42.000 chuyên viên lập trình cùng nhân viên kỹ thuật và khi ra mắt cổ phiếu lần đầu vào năm 1986 đã thu được 31,5 triệu USD. Hiện Oracle của Larry đã là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phần mềm quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu cũng đồng thời cũng là một tập đoàn phần mềm độc lập lớn thứ 2 thế giới với mức doanh thu hàng năm rất đáng tự hào: 9,7 tỷ USD. Chính những thành công rực rỡ đó của Oracle đã đưa Larry lên vị trí của một trong những người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, thành công nào cũng phải trả giá. Khi Oracle rơi vào thua lỗ thảm hại và gần như phá sản vào năm 1990, Larry đã phải chấp nhận có một sự thay đổi lớn. Ông thay thế nhiều nhân viên lớn tuổi tham gia vào Oracle từ những ngày đầu, bằng những nhân viên nhiều kinh nghiệm hơn. Lần đầu tiên, ông ủy quyền việc quản lý kinh doanh lại cho các nhân viên, và dành thời gian vào việc phát triển sản phẩm. Chỉ trong 2 năm, cổ phiếu công ty đã lấy lại giá trị lớn như ngày trước. Các ngân hàng, hãng hàng không, xe hơi và bán lẻ Mỹ đều phụ thuộc vào các chương trình cơ sở dữ liệu của Oracle. Dưới sự lãnh đạo của Ellison, Oracle trở thành người đi tiên phong trong việc cung cấp các ứng dụng kinh doanh qua Internet. Oracle đã thu lợi lớn từ sự phát triển của thương mại điện tử, lợi nhuận ròng của hãng tăng 76% chỉ trong 1 quý hồi năm 2000. Khi cổ phiếu các hãng công nghệ cao khác lên xuống bất thường, Oracle vẫn giữ giá trị.
Sẽ chẳng có gì sai khi nói rằng những thành tựu rực rỡ của Larry có một phần lớn bắt nguồn từ những phi vụ liều lĩnh và cũng đã có không ít các thất bại. Nhưng Larry đã có được những bài học quý giá từ đó và tiếp tục thành công trên con đường của mình. Những năm tháng khó khăn, Larry đã từng đề xuất ý kiến với các nhân viên rằng phải tăng ít nhất 100% doanh số bán hàng trong khi đây thực sự là một ảo tưởng đối với một công ty đang trong giai đoạn "hiểm nghèo" và đã phải khai khống doanh thu từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD.
Đó thực sự là một nhiệm vụ bất khả thi cho Oracle và chính Larry, trừ khi nó chỉ là một mẹo vặt mà Larry đã cố gắng đưa ra nhằm cứu vãn cho tình hình khó khăn lúc đó. Sự kiện này được ghi nhận là một trong những liều lĩnh đôi chút sai lầm mà Larry đã phạm phải trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, vì nó đã vô tình tạo ra những áp lực công việc hết sức nặng nề lên đội ngũ nhân viên của Oracle. Mặc dù vậy, cuối cùng mọi chuyện cũng đã diễn ra êm đẹp và chính lời đề xuất không tưởng của Larry đã để lại những ảnh hưởng tích cực nhất định cho những sản phẩm thành công sau này của Oracle.
Nhưng chính điều này lại khiến ông bị cáo buộc là thiếu minh mẫn, độc đoán trong quản lý và điều hành công việc hàng ngày của công ty. Kể từ vài năm trở lại đây, khi đích thân ông đã quyết định can thiệp vào tất cả các bộ phận của công ty, mọi lời cáo buộc đã trở nên vô nghĩa khi có 3 điều đã xảy ra: Thứ nhất, Larry đã lên tiếng chỉ trích bản thân mình cùng phần lớn các thành viên của ban giám đốc vì lề lối làm việc chậm chạp. Thứ hai, Larry tìm lại được sự kính trọng của các đồng nghiệp và cộng đồng doanh nhân. Thứ ba, Oracle đã hoạt động tốt hơn cả thời kỳ thành công nhất của nó trước đó. Chỉ từng đó thôi đã là quá đủ để minh chứng cho tài năng kinh doanh và điều hành thiên bẩm của Larry. Thử hỏi liệu còn ai dám nói rằng Larry là một người thiếu minh mẫn, một kẻ độc đoán?
Hiện tài sản của Larry đã lên tới 25 tỷ đô la, đứng thứ 14 trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Ngoại trừ quyền chọn cổ phiếu, Ellison có 84,6 triệu USD trong năm tài chính 2008 của Oracle. Năm 2007, Ellison có 61,2 triệu USD. Theo Ban đền bù tiền lương của Oracle, Ellison xứng đáng với khoản tiền trên, bởi lợi nhuận của công ty trong năm tài khóa 2008 tăng 29%, lên 5,5 tỷ USD và giúp giá trị cổ phiếu của hãng tăng 18%, mang lại 19 tỷ USD cho các cổ đông.
Ngoài khoản tiền lương này, Ellison còn có 36 triệu cổ phiếu Oracle trong năm 2008, tức 544 triệu USD tiền mặt, đưa tổng mức thu nhập của Ellison lên hơn 628 triệu USD trong năm 2008. Ellison vừa bước sang tuổi 64 hôm 17/8 vừa qua.
Cuộc sống hiện tại của Larry là một minh chứng sống động chứng minh rằng công việc kinh doanh không phải là thứ có thể học được từ trong sách vở của trường đại học mà phải có ít nhất là một chút năng khiếu bẩm sinh. Là một người đã sớm rời bỏ trường đại học (một điểm chung giữa các doanh nhân IT thành đạt của nước Mỹ như Michael Dell hay Bill Gates), Larry được biết đến như một con người với giác quan kinh doanh nhạy bén đến hoàn hảo, biết định hướng và cực kỳ tham vọng.
Giới báo chí và các nhà kinh doanh đều nhất trí thừa nhận rằng, hiện nay nếu như có ai đuổi kịp Bill Gates về mọi phương diện thì người đó chỉ có thể là Larry Ellison. Năm 1997, sau khi phát triển thành công hệ điều hành cho mạng máy tính Network Computer (NC), Ellison đã chính thức tuyên chiến với Microsoft của Bill Gates. Và năm 2000, Larry Ellison đã đạt đến mục tiêu ông khao khát từ lâu: vượt qua Bill Gates của Microsoft để trở thành người giàu nhất thế giới vào khoảng năm 2000.
Theo vietnamleader.com
Tỷ phú làm giàu từ hai bàn tay trắng: Li Ka-shing (Lý Gia Thành)
Với khối tài sản trị giá 26,5 tỷ USD, năm 2008, Lý Gia Thành có tên ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng “Những người giàu nhất thế giới” của Forbes. Trước đó, năm 2001, ông được Tạp chí Asiaweek bầu chọn là nhân vật quyền lực nhất châu Á. Năm 2006, tại Singapo, Tạp chí Forbes trao tặng ông giải thưởng “Thành tựu trọn đời”, đây là giải thưởng tôn vinh những nhà kinh doanh xuất sắc có và cống hiến cả đời cho ngành kinh doanh.
82 tuổi, Lý Gia Thành vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của hai tập đoàn lớn là Hòa Ký Hoàng Phố và Trường Giang Thực Nghiệm. Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn khao khát được cống hiến hết sức mình như thời còn trai trẻ.
Kinh doanh khi chưa tốt nghiệp trung học
Trên thế giới có khá nhiều tỷ phú học hành dang dở, họ chưa học hết đại học, thậm chí chưa tốt nghiệp trung học, nhưng lại rất nổi tiếng với những chiến lược kinh doanh được hàng tỷ người ngưỡng mộ. Ở Mỹ, Bill Gates – người sáng lập Microsoft Bill Gates chính là cái tên nổi bật.
Ở Pháp, Francois Pinault – người sáng lập ra PPR (tập đoàn chuyên kinh doanh hàng xa xỉ, sở hữu những nhãn hiệu như Gucci, Stella Mc Cartney...), có khối tài sản hơn 20 tỷ USD cũng chưa tốt nghiệp trung học.
Ở Tây Ban Nha, Amancio Ortega cũng bỏ học từ năm 14 tuổi, nhưng đã trở thành Chủ tịch Tập đoàn Inditex, hãng sản xuất quần áo lớn nhất thế giới với gần 4000 cửa hàng tại hơn 70 quốc gia, có giá trị ước tính khoảng hơn 20 tỷ USD. Tại Hồng Kông, cái tên nổi bật nhất chính là Lý Gia Thành, với khối tài sản hơn 20 tỷ USD. Ông bắt đầu kinh doanh khi chưa tốt nghiệp trung học.
“Siêu tỷ phú” là biệt danh mà những người ngưỡng mộ nói về Lý Gia Thành, đủ để những ai mới chỉ nghe tên ông lần đầu cũng phải ngả mũ thán phục. Cuộc đời và sự nghiệp của ông giống như một cuốn phim dài tập chưa có hồi kết, nhưng bất kỳ ai yêu thích kinh doanh đều mong nó sẽ còn dài mãi, bởi mỗi tập phim vị tỷ phú Hồng Kông lại mang đến những điều bất ngờ thú vị - không chỉ là những dự án bạc tỷ mà còn có cả triết lý kinh doanh đầy xúc cảm.
Dù hai tập đoàn của Lý Gia Thành luôn chiếm tới hơn 10% giá trị thị trường chứng khoán Hồng Kông và có mặt ở hơn 50 quốc gia, nhưng tiền bạc dường như không còn là mối quan tâm lớn nhất với ông. Lịch làm việc hàng ngày của vị tỷ phú họ Lý lúc nào cũng kín tới mức… “một con kiến cũng không chui lọt”.
Có lẽ phải tới quá nửa số thời gian ông dành cho những chuyến công tác, liên tục bay từ nước này qua nước khác và ở bất cứ đâu, người ta cũng thấy ông cười rất hóm hỉnh. Như một hiệu ứng dây truyền được hình thành gần hai chục năm qua, Lý Gia Thành đi đến đâu và đầu tư vào ngành nào cũng thu được kết quả khả quan và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân bản địa.
Lý Gia Thành chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa khả năng phân tích thị trường nhạy bén của phương Tây và cách giao dịch mềm dẻo nhưng chắc chắn của phương Đông. Ông cũng nổi tiếng vì sự giản dị, trung thực và thẳng thắn, cẩn trọng nhưng cũng liều lĩnh, thông minh và đầy tham vọng.
Nhiều người từng nhận định về nhà tỷ phú này như một nhân vật chỉ có trong chuyện cổ tích, bởi những đóng góp quá lớn lao trong nghiệp kinh doanh của ông không chỉ đưa thương mại Hồng Kông gắn kết với thế giới, mà trên hết đó còn là bài học về sự cần cù, khát vọng sống, ý chí vươn tới thành công. Và sự xuất sắc của Lý Gia Thành còn được các thế hệ sinh viên kinh tế Đại học Harvard nghiên cứu.
Bốn bí quyết trở thành tỷ phú “siêu nhân”
Lý Gia Thành sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1941, do ảnh hưởng từ cuộc kháng chiến chống Nhật, ông cùng cha mẹ và hai em đến định cư tại Hồng Kông.
Nhưng thật trớ trêu, cũng vào năm đó, cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ, nó khiến cho thị trường Hồng Kông tụt dốc thảm hại và những gia đình nhập cư nghèo khổ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào đúng cái lúc khó khăn nhất, cha ông bệnh nặng, đến mùa đông năm 1943 thì qua đời. Vậy là gánh nặng áo cơm dồn lên vai người con cả, không còn cách nào khác, Lý Gia Thành đành phải bỏ học để bươn trải – năm đó ông mới 15 tuổi.
Ông bắt đầu với việc học nghề để trở thành công nhân trong tiệm đồng hồ, sau đó vào làm công trong xưởng sản xuất đồ nhựa. Lý Gia Thành làm việc rất chăm chỉ và thật thà, chính điều đó đã giúp ông được tín nhiệm với vị trí giám đốc xưởng sản xuất đồ nhựa khi 20 tuổi.
Hai năm sau, Lý Gia Thành lập một xưởng sản xuất nhựa cho riêng mình, đặt tên là Trường Giang, đó cũng là tiền đề cho sự ra đời của Công ty Trường Giang 7 năm sau đó, chuyên sản xuất đồ chơi, hoa nhựa… Năm 30 tuổi, Lý Gia Thành từng bước thử sức trong ngành kinh doanh bất động sản và ra đời hai tòa nhà công nghiệp tầm cỡ khu vực chỉ hai năm sau đó.
Những năm tiếp theo, ông không ngừng mở rộng quy mô để Trường Giang Thực Nghiệp từng bước trở thành một trong 10 tập đoàn hùng mạnh nhất Hồng Kông và có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường chứng khoán thế giới. Cũng trong giai đoạn này, ông đã gây dựng nên Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố, chuyên đầu tư vào các lĩnh vực tàu biển, bất động sản, năng lượng, xây dựng…
Lý Gia Thành chia sẻ, để đạt đến thành công của ngày hôm nay, ông đã phải dành rất nhiều tâm huyết để sáng tạo nên triết lý kinh doanh cho riêng mình, với bốn tư tưởng chính:
* Lấy tư tưởng của người theo đạo Nho để quản lý doanh nghiệp;
* Lấy lòng từ thiện của người theo đạo Phật để đối xử với nhân tài;
* Lấy trạng thái tâm lý ổn định để phát triển sự nghiệp;
* Lấy tâm hồn gần gũi đối xử với đối thủ.
Lý Gia Thành cho rằng: “Chỉ khi nào bản thân nhận thức rõ việc kiếm tiền không phải là chuyện dễ, lúc đó chúng ta mới trở thành một người có trí tuệ, mới thực sự thành công trong lao động. Danh lợi không phải là điều quan trọng nhất; làm kinh tế không có chữ tín sẽ không thành; sống lương thiện mới là nguồn tài nguyên dồi dào; bền bỉ là pháp bảo của giàu sang…”.
6 năng lực nổi trội của Lý Gia Thành
1. Nắm bắt cơ hội: Doanh nghiệp có phát triển được hay không liên quan trực tiếp đến việc bạn có nắm bắt được cơ hội hay không? Vì vậy, bạn phải nắm được mọi thông tin mới và chính xác nhất về lĩnh vực đang quan tâm, đồng thời phải quyết đoạn khi thời cơ đến.
2. Biết mình biết người: Trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào đều phải cân nhắc đến điều kiện của doanh nghiệp, điểm mạnh điểm yếu của đối thủ, sau đó chọn phân khúc thị trường phù hợp.
3. Thể hiện tầm nhìn: Đích đến cuối cùng của tri thức là rèn luyện tầm nhìn, tăng cường khả năng phán đoán. Có rất nhiều người hành sự theo cảm giác, nhưng điều đó rất nguy hiểm. Xã hội luôn chuyển động, vì vậy cần phải có tầm nhìn chuẩn xác, những người không chịu thay đổi thường chờ vào vận may, ngược lại những ai nắm được thời cuộc mới có thể tạo ra cơ hội. Vận may chỉ đến với những ai nhiệt tâm và dám chấp nhận thử thách khó khăn.
4. Xác định tọa độ: Chúng ta sinh ra trong niên đại có nhiều cái mới, gặp nhiều thách thức, lấy tập đoàn Hòa Ký làm ví dụ, mạng lưới tập đoàn bao phủ 41 quốc gia, vì vậy cần phải điều chỉnh cơ cấu công ty và văn hóa doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng và lòng mong mỏi của các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
5. Tìm chỗ đứng phù hợp: Năm 1979 khi chúng tôi mua về tập đoàn Hòa Ký, điều đầu tiên cần làm là tìm ra hướng đi phù hợp cho quá trình phát triển của công ty, đảm bảo bước đi của ngày hôm nay sẽ không trở thành gánh nặng của ngày mai.
6. Kiên trì bền bỉ: Thị trường biến động do rất nhiều nhân tố phức tạp và để thành công thì không có một công thức tuyệt đối nào cả, nhưng thất bại thì đều có quy luật của nó, tìm ra nguyên nhân gây thất bại chính là manh nha của thành công.
Theo Vietchinabusiness.vn
No comments:
Post a Comment