9. Ám Thị
Ám Thị là gì?
Ám thị là dùng cách âm thầm mà chỉ thị để khiến người ta bất giác phải theo mình. Cái công dụng của nó ở thuật thôi miên như thế nào, ở đây không cần bàn đến, vì các bạn cũng đã thừa hiểu thế nào. Người bị ám thị là người đã mất tự chủ, chỉ làm theo kẻ khác làm, nói theo kẻ khác nói; mừng, giận, thương, vui cho đến tư tưởng cũng theo chỉ thị của kẻ khác.
Người điềm đạm, tức là người tự chủ, hết sức hữu tâm trong các hành động hay tư tưởng của mình, nhất định không để bị phải ám thị hay thôi miên vì một lẽ gì cả.
Con người khi sống một mình, ít bị sự ám thị hơn là khi phải sống giữa đô hội, quần đoàn.
Hơn nữa, sống ở trong một thế hệ văn minh máy móc ngày nay mà tránh cho khỏi bị ám thị thật là khó.
Máy móc thịnh hành, con người ngày nay không gì là không dùng đến máy. Bởi vậy thể chất, tình cảm, đến tinh thần của ta cũng đều không có dịp dùng đến. Lâu ngày chúng thành ra vô dụng. Con người hết biết suy nghĩ.
Ngay bây giờ, phải đề phòng cái nạn ấy: chống cự với ám thị. Giáo dục ở nhà trường rất thiếu sót về cái thuật này.
Theo tôi, muốn chống cự với ám thị chỉ có hai phương pháp:
1. Trước hết, phải dạy cho con người chỉ nên tin cậy nơi sức mình, và đừng bao giờ chịu sống nô lệ bởi những dẫn dụ, những kích thích của bên ngoài. Kẻ nào chỉ biết ỷ lại vào sự dẫn dụ của bên ngoài là sự hiến tâm hồn mình hoàn toàn cho sức mạnh của ám thị, bất kỳ là lối ám thị nào. Ai nói gì cũng nghe theo, phải quấy nên hư gì cũng mặc. Phần đông sống không mục đích, họ ghiền sách báo, ghiền radio, ghiền phát bóng, cũng như họ ghiền rượu hay á phiện vậy. Thiếu mấy món kích động ấy. Họ thấy đời sống như thiếu thốn bất thường.
Vậy, muốn dạy cho con người biết cậy lấy sức mạnh tinh thần của mình và chống cự với mọi sự quyến rũ bên ngoài đừng trở nên những kẻ ghiền nát báo chí, ghiền nát radio, cinema một cách thái quá, phải làm cách nào?
Trước hết, phải tập tự tiêu khiển bằng sức mình, tự chế tạo lấy đồ vật, tự học một nghệ thuật, hoặc nghiên cứu về một môn học nào. Hãy tùy thích tập lấy một nghề thủ công nào, như nghề thợ mộc, thợ máy, thợ sơn... hay học đ àn, học vẽ... chẳng hạn.
2. Phương pháp thứ hai để chống cự ám thị là thuật phân tích và phê bình những lời quảng cáo và tuyên truyền bất cứ là bằng món lợi khí nào: xi nê, rađiô, báo chí hay quảng cáo.
Điều trước hết, là phải tập phân tích những tiếng thường dùng của báo chí, của những nhà diễn thuyết, v.v...
Thường họ hay dùng những tiếng "trống rỗng" mà "kêu vang"...
Ta còn phải lo ngăn ngừa lối ám thị trên mặt giấy, bằng hình mà bọn con buôn vô liêm sỉ hay dùng để mê hoặc người như lối quảng cáo sử dụng phương pháp liên hợp một cách đột ngột ý tưởng của mình muốn quyến rũ với một vật, hoặc một cái hình, hoặc một thứ văn tả cảnh rất hay để gợi cho người ta một hứng thú tuyệt điểm. Ví dụ, họ đem cái hình một người đ àn bà rất đẹp, với một nước da bóng nhoáng, khêu gợi, sửa soạn đi tắm trong một cái phòng tắm bằng cẩm thạch màu hường rất xinh xắn, chưng dọn xa hoa cực điểm theo lối tân thời để làm quảng cáo, cho một thứ xà bông, Hoặc muốn quảng cáo thuốc điếu, thì họ vẽ một bức tranh dạ hội, có nhiều người cực kỳ sang trọng, quần áo tuyệt "mốt" cùng nhau ngậm điếu thuốc phì phà; hoặc đem hình ngôi sao điện ảnh nào lộng lẫy, hay một chàng thanh niên đẹp trai, bảnh bao nào cũng được. Hoặc muốn quảng cáo cho một món thuốc bổ, thì họ vẽ một chàng lực sĩ đả hổ, hay bẻ gãy sừng trâu, v.v... Tôn chỉ của nhà quảng cáo:
Bất kỳ là thuộc về loại nào cũng một thể.
Là tìm cách liên hợp cái món hàng của mình với những ý tưởng mà phần đông con người cho là khoái trá hơn hết, như ý tưởng dâm dật, mê ly, giàu sang, thế lực...
Lối quảng cáo ấy rất đắc lực: người ta mua thuốc điếu càng ngày càng nhiều.
Những món hàng khéo quảng cáo nhất là bán chạy nhất.
Thậm chí đến Văn chương là một món sản vật của Tinh thần, thuộc về phần thiêng liêng cao trọng nhất, mà người ta cũng đem nó làm món hàng "làm tiền", xúm nhau làm quảng cáo với những mánh khoé con buôn trăm phần trăm, thật là hèn hạ quá.
Sứ mạng của văn chương là phụng sự chân lý, mà lại hội hiệp được với sứ mạng của quảng cáo là nhồi sọ và lường gạt, thật là trạng thái của một tinh thần khủng hoảng đến cực điểm. Cả những bậc vĩ nhân như Stélan Zweig, Keyserling, R. Rolland, André Gida cũng đều lên án cái thói "làm ô nhục văn hoá" ấy. Người ta dùng những lối văn rườm rà nghe rất kêu để giới thiệu, quảng cáo, xu bợ, nịnh hót nhau, dẫn dụ ám thị độc giả mất cả sự phán đoán phê bình.
Phân giải những ý tưởng liên hiệp một cách đột ngột và vô lý ấy là một điều khẩn cấp, các tín đồ của Điềm đạm cần phải chuyên tập hơn hết.
Phải để ý tới cái chỗ quan hệ giữa lối quảng cáo với món hàng quảng cáo, phân tích nó ra sao mà so sánh phê bình... Ta sẽ thấy: có ăn chịu chỗ nào giữa cái hình người con gái đẹp điểm một nụ cười xinh xắn với cục kem đánh răng không? Kem đánh răng không chỉ làm cho mọi người đều có được một hàm răng đẹp như cô gái ấy và cũng chưa ắt là nhờ kem đánh răng mà cô gái đẹp kia được một hàm răng đẹp.
Đem bất kỳ lối quảng cáo nào để phân giải, ta sẽ thấy chỗ liên hợp của lối quảng cáo và món hàng không ăn chịu nhau chỗ nào cả.
Thế mà người ta chỉ thấy cái cách trình bày rất thoả mãn lòng khoái trá là đủ, không chịu để ý đến món hàng của mình như thế nào. Bởi vậy, cũng một món mà trình bày khéo léo, dễ quyến rũ khách mua hơn là để tự nhiên không tô điểm.
Gérare de Lacaze Dthiers nói rất chí lý: "Càng thấy làm quảng cáo chung quanh một người nào hay một vật nào, càng làm cho ta nên nghi ngờ chân giá trị của người ấy hay vật ấy. Đối với một quyển sách cũng vậy?
Đem cái thuật phân giải và phê bình đối với lối quảng cáo của con buôn, mà chuyển đi qua các lối quảng cáo khác, ta sẽ thấy bất kỳ là thuộc về giới nào đều cũng như thế. Phải tập quan sát, nghiên cứu mỗi sự vật theo cái giá trị thật của nó, đừng căn cứ theo quảng cáo của nó.
Tín đồ của Điềm đạm phải nhất định, suốt đời mình, không bao giờ chịu để cho ai ám thị hay thôi miên, dẫu để chữa bệnh cũng vậy. Hơn nữa, nhất quyết không để cho những sức mạnh âm u vô trách nhiệm của hoàn cảnh dẫn dụ mình, mê hoặc mình, sai sử mình đến mất cả sự suy nghĩ, phán đoán của mình. Đây là công trình của trí dục mà tôi đã dành sẵn ở một nơi khác.
10. Đừng Nói Sai
Nói thật, và chỉ biết nói thật mà thôi, là tập cho mình có một tinh thần bất uý.
Trong đời, nhất thiết việc gì, phải tập tánh nói cho đúng với sự thật.
Ấy là một tánh, cần phải tập luyện từ nhỏ mới đặng, đừng để bị phải thói quen mà sau này không dễ gì sửa đổi cho được.
Washington, lúc còn trẻ, một hôm đẽo cây quý của cha trồng. Lúc cha của ông đang hầm hầm giận dữ, ông vẫn có đủ can đảm thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Cha thấy con như thế, đổi giận làm vui, ôm con và nói: "Tất cả tài sản của cha không quý bằng cái tánh ngay thật của con". Thật vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bậc anh hùng cái thế.
Người ta sở dĩ nói láo là vì sợ mà nói. Sợ oai quyền, sợ hình phạt, sợ thất lợi, sợ chê cười... Mỗi khi ta thấy bị hoàn cảnh lôi cuốn phải nói dối, hãy bình tâm suy nghĩ, tìm xét căn nguyên, ta sẽ thấy không ngoài những nguyên nhân đã nói trên. Nói dối là tỏ ra mình bị kẻ khác khu sử.
Nhiều khi nói dối lại được thiên hạ ban cho cái tên rất tốt đẹp là người nhã nhặn. Kỳ thật, là người nhút nhát, chỉ biết vì mình chớ không phải vì người. Nói sự thật thì mất lòng, thà vừa nói vừa theo, có phải lợi được người ta ưa mình không? Đó là xu nịnh. Người như thế là người mà ai ai cũng ưa, nhưng ai ai cũng ngờ... Còn cầu đến sự thương yêu của người, là còn sợ người chê bai, người như thế không phải là người điềm đạm được.
Phải tập cái tánh ưa sự thật, ghét sự dối. Đừng có nói: "Một lần, đâu phải thói quen". Không! "Kẻ trộm một hột gà, sẽ trộm một con bò". Nói dối một lần lương tâm cắn rứt, nhưng rồi bỏ qua. Nói dối nhiều lần sẽ lần lần thành thói quen, lương tâm không cắn rứt nữa, người ta sẽ nói dối như ăn cơm bữa, không chút ái ngại gì cả.
Ta phải thật nghiêm khắc với ta về vấn đề này. Ta phải xem lời nói ta như một lời viết ra ngoài mặt giấy, như một danh dự thiêng liêng bất khả xâm phạm. Thà là không nói gì hết. Mà hễ nói ra là lời đúng với sự thật. Không có một quyền thế nào, không có một lợi danh nào bắt buộc ta phải nói sai sự thật được.
Không nói dư, mà nhất là không bao giờ nên nói sai với sự thật. Chỉ có được như thế, tinh thần ta mới được vững vàng, không phải bị một lực lượng ngoại giới nào làm lay chuyển được.
Thôi Tử là quyền thân nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không chịu thề.
Thôi Tử bảo Án Tử: "Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì chia cho một nửa, Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức".
Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: "Lấy lợi mà nhử người ta, bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân; lấy binh khí hiếp đáp người ta, mà làm cho người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm".
Thôi Tử nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy, khoan thai bước ra.
Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý.
Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Tề bảo: "Phải có Nhạc Chính Tử đem cái đỉnh sang nói, ta mới tin".
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.
Nhạc Chính Tử hỏi: "Sao không đưa cái đỉnh thật?".
Vua Lỗ nói: "Ta quý nó lắm". Nhạc Chính Tử thưa: "Nhà vua quý đỉnh ấy thế nào, tôi quý cái đức "Tín" của tôi cũng như thế".
Sau Vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
Như xem hai câu chuyện trên đây, Án Tử nếu không phải là người khí dũng, thì không bao giờ dám nói sự thật giữa đám quân binh kiếm kích.
Có đủ can đảm để nói sự thật, phải chăng là biểu hiện của một tấm lòng điềm đạm chí lực. Hay là nói một cách khác, chỉ có kẻ nào có được một tinh thần bất uý mới có thể đủ can đảm nói sự thật mà thôi. Còn Nhạc Chính Tử nhất sinh không bao giờ chịu nói dối, dẫu vì lợi cho vua nước mình cũng vậy. Người như thế, chẳng những cho vua Tề mà chính vua của ông ta cũng phải nể mặt. Dầu là lệnh vua cũng không sao khiển nổi Nhạc Chính Tử nghe theo mà nói dối với vua Tề. Thế thì, có phải vì hằng ngày Nhạc Chính Tử không bao giờ chịu nói dối mà tinh thần bất uý của ông được kiên cố, mạnh mẽ thêm lên mãi, đến nổi không còn biết sợ một thế lực nào cả nữa không?
Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Càng nói dối chừng nào thì cái dũng khí của mình càng suy nhược chừng ấy. Cho nên những kẻ ham nói dối là những người khiếp nhược. Mỗi khi ta nói dối là mỗi khi ta nuôi dưỡng tánh hèn nhát của ta.
Muốn tập tánh ăn ngay nói thật, cần phải khởi từ hồi con người đang còn thơ ấu. Tập cho chúng nó biết sùng bái sự ngay thẳng cương trực, và biết khinh bỉ sự dối trá dua bợ. Lâu ngày cái tinh thần hiếu ố ấy ăn sâu vào tinh tuỷ, biết đâu sau này trong đám con trẻ ấy không có người như Nhạc Chính Tử. Trái lại ngày mai, chuộng sự hư trá hơn là người ngay thật. Rủi đứa con nó làm một lỗi gì, mình chịu thấy nó sợ mình mà nói dối, hơn là thấy nó can đảm nhận tội. Vì, họ cho như thế là đứa trẻ tỏ ra không biết oai họ.
Họ lại còn cho những sự dối láo là những cách khôn khéo ở đời. Đứa nào môi miệng lanh lợi là đứa khôn ngoan sắc sảo. Về sau thế nào cũng đắc thắng trên trường đời. Còn những đứa ăn ngay nói thẳng, thật là ít nói lại cho là đứa ngu si đần độn không ra gì.
Một xã hội như thế, thì làm gì có được những bực đại dũng biết quý lời nói thật thà như Nhạc Chính Tử.
Thánh Gandhi là người thứ nhất dám tự hào: "Tôi không bao giờ biết nói dối". Thật vậy, mặc dầu ông là một nhà chính trị, đối với phe nghịch ông, ông cũng không bao giờ nói dối để được việc cho mình. Lời nói ông là một bảo đảm chắc chắn hơn tất cả những hiệp ước. Hễ ông hứa một điều gì, thì việc ấy kể là đã được ông thi hành rồi. Theo luật Võ sĩ đạo (Bushido) của người Nhật cũng vậy. Họ lấy sự giữ lời hứa là một danh dự riêng của người đại dũng. Nói dối, theo họ, là một khiếp nhược.
Truyền rằng Gandhi sở dĩ có được một tinh thần như thế là nhờ sự khéo léo dạy dỗ của bà mẹ. Một hôm Gandhi đi học về. Lúc ấy ông còn nhỏ. Vì sợ bị quở trách, ông dối mẹ. Bà mẹ biết, liền nhất định không ăn cơm. Ông khóc lại cầu khẩn mẹ ăn, nhưng bà mẹ kiên quyết không chịu thay đổi ý kiến. Gandhi là người con chí hiếu, khóc lóc xin mẹ cho rõ vì đâu mẹ giận. Bà nói: "Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối là tỏ ra mình có một tâm hồn khiếp nhược. Có con như thế là một cái nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa". Gandhi bèn quả quyết đứng lên, đi thẳng lại chỗ nấu ăn, lấy một cục lửa than để trên bàn tay và nói: " Con thề với mẹ, suốt đời con không bao giờ nói dối". Bà mẹ mừng quá, ôm con vào lòng khóc: "Được vậy, thời mẹ mới đủ can đảm sống nữa với con". Về sau Gandhi không bao giờ thất hứa với mẹ. Ông thường bảo với kẻ khác: "Cái vết trên bàn tay tôi đây là hình bóng của mẹ tôi không bao giờ rời khỏi tôi. Đấy là vị thiên thần phò hộ tôi mãi ở trong vòng thành thực và danh dự".
Nếu muốn làm đệ tử của Điềm đạm, phải có đủ can đảm hy sinh cả cái lợi vật chất của cá nhân, cái lợi được người yêu kẻ mến, cái lợi "phì gia vinh thân", cái lợi "nhất bổn vạn lợi". Không phải bảo kẻ Điềm đạm luôn luôn phải nói thật. Không. Sự thật không phải luôn luôn nên nói: chấp kinh, âu cũng phải biết tùng quyền. Nhưng, nếu vì hoàn cảnh không nên nói, thì thà đừng nói gì cả. Còn nếu cần phải nói, thì lời nói mình phải cho ngay thật. Nếu vì lợi cho mình mà nói dối, đó là vì khiếp nhược mà nói, nhất định không nên làm. Nhược bằng vì lợi cho người mà nói dối, thì cái dối ấy có khi chỉ ở trong những trường hợp như thầy thuốc với bệnh nhân, hoặc gặp phải những sự nguy hiểm của kẻ khác, mình cần phải giấu để cứu họ thoát khỏi tai hạn, là có thể làm được mà không phải giảm đến cái dũng khí của mình thôi.
Ở bên Ấn Độ, các nhà đạo sĩ tịnh tâm thường hay dùng sự "cấm khẩu" làm diệu pháp. Trong lúc "cấm khẩu" họ không bị một lực lượng gì bắt buộc họ phải nói trái với ý nghĩ họ. Họ tha hồ muốn nghĩ thì nghĩ theo sự thật. Lâu ngày, họ mất cái thói quen nói dối. Đó là một cách tu luyện tinh thần bất uý rất hay. Ở trong đời, ta không thể cấm khẩu đặng như các đạo sĩ ấy, thì hãy "cấm khẩu" ngay những lúc hoàn cảnh bó buộc ta không thể nói ngay sự thật.
Trong ngũ giới của nhà Phật thì cấm Vọng ngữ làm đầu. Phải chăng đó là bước đầu tiên để được đi sâu vào cái tinh thần Đại Hùng, Đại Lực của Thích Ca?
Nếu không phải vì sợ oai thế hình phạt, vì muốn ăn mày ăn xin sự yêu thương của kẻ khác, hoặc vì muốn "ngọt mật chết ruồi" thì chắc chắn là không có cái lợi gì khác buộc ta phải nói dối ta. Cho nên, chỉ khi nào ta diệt được ngay cái nguyên nhân của sự nói dối đi, thì tấm lòng mới vững vàng mà thờ phụng sự ngay thật. Đành rằng chỉ vì có được một tấm lòng bất uý mới có đủ can đảm nói luôn luôn sự thật; nhưng cũng vì nhờ hằng nói mãi sự thật mà dũng khí ta hằng được tăng gia kiên cố.
11. Trí Tưởng Tượng
Trí tưởng tượng thái quá cũng rất có hại cho sự Điềm đạm. Sự thật ở đời lắm khi không có những cái giá như ta đã tưởng tượng ban cho. Hay nói một cách khác, sự vật ở đời tự nó không có giá trị gì cả. Nó có giá là tại nơi ta ban cho nó cái giá ấy mà thôi.
Thấy một người lạ, là đã tưởng tượng cho người ấy có những đức tánh mà tự họ không có. Hoặc cho họ là kẻ tài ba lỗi lạc hơn mình, hoặc là tưởng tượng họ khinh bạc, chế nhạo mình... Thế mới đâm ra khiếp sợ, e ngại, rụt rè... Nhưng sự thật, nếu mình gặp người đó một vài lần, thường tiếp chuyện với người đó trong năm, mười ngày, bấy giờ ta sẽ thấy họ không phải thần thánh gì mà mình phải khiếp sợ đến thế. Phải tập tánh nhìn thẳng vào sự thật, đừng để cho trí tưởng tượng viễn vông của mình nó đánh lừa mình.
Cái tính thích khen, sợ chê, nô lệ dư luận, làm cho ta hèn yếu khiếp nhược. Nhân đó, trí tưởng tượng của ta phụ tiếp vào làm sai cả sự thật.
Phần đông tưởng rằng đi đâu hay ở đâu, người ta hay để ý đến mình, rình mò quan sát mình. Nào phải có thật như vậy đâu... Có ai ở đời mà lo xem xét mình, để biếm nhẻ chế nhạo mình. Ở đời, ai cũng có việc riêng, không ai công không mà lo phê bình mình. Vả, nếu có phê bình đi nữa thì có ăn thua gì đến ta. Nhất định, phải loại trí tưởng tượng ra khỏi vòng trí thức của mình trong khi mình muốn phán đoán một việc gì cho chính đính.
Nếu ta khéo điềm tĩnh, lại quan sát cho kỹ càng trước khi phán đoán, thì tưởng không có cái chi đáng cho ta sợ nữa cả.
Trí tưởng tượng phải luôn luôn để nó ở dưới quyền kiểm soát của trí thức. Nếu trí thức nhận xét không đúng thì tưởng tượng tiếp vào chỉ để làm cho hốt loạn thêm lên...
Tuy nhiên, nói rằng trí tưởng tượng có hại, là khi nào ta để nó hỗn loạn tha hồ, không kiềm chế gì hết. Nếu ta khéo lợi dụng nó, thì nó sẽ là một lực lượng giúp cho sự Điềm đạm của ta không phải nhỏ.
Thay vì dùng trí tưởng tượng để tăng sự lo sợ, khiếp hoảng... sao ta không biết dùng nó để tăng sự Điềm đạm của ta thêm?
Trí tưởng tượng là một sức mạnh phi thường, cùng ý thức chánh đáng, nó có thể thay đổi hết tất cả cuộc diện của đời người. Luôn luôn, bất kỳ là ở vào trường hợp nào, bất kỳ là người hay vật gì, nếu ta lập tâm không sợ, rồi thì trí tưởng tượng tiếp vô, tạo ra một cảnh tượng hùng tráng cũng có thêm cho tinh thần điềm tĩnh của mình một cách hết sức đắc lực.
Napoléon, khi ra trận, lắm lúc vào sanh ra tử, vẫn như không, nhờ nơi đâu? Mỗi phần do nơi tâm tánh anh hùng của ông, nhưng nếu phải nói cho đúng hơn, do nơi cái đức tin về số mạng của ông. Ông thường bảo: "Số ta không bao giờ bị thương". Trí tưởng tượng của ông hết sức mạnh. Ông tin rằng đời ông không hề bị thương tích bao giờ. Một khi kia, ông mạo hiểm đến bảo một nhà thiện xạ, đứng xa ông 100 thước, cứ nhắm bắn ông. Người ấy chỉ bắn trúng cái mũ của ông thôi. Ông khen: "Thật là tay thiện xạ". Dẫu rằng những tích ấy là câu chuyện về ngoại sử, nó vẫn hàm một ý nghĩa rất sâu xa về ảnh hưởng của đức tin, của tưởng tượng trong cuộc đời oanh liệt của các anh hùng dũng sĩ là như thế nào.
Sư Seigen, ngày kia, trong lúc đang thuyết pháp... bỗng bị quân cướp tràn vào chùa. Bắt sư ra, tên đầu đảng hăm chặt đầu sư. Sư điềm tĩnh, mỉm cười nói:
Trời Đất cũng không phải là chỗ của ta trọ được. Thân thể linh hồn ta toàn là ảo vọng. Cây gươm của ngươi có chém ta đi nữa, chẳng qua như ánh sáng chém không... ngọn xuân phong! Ngươi làm gì giết ta đặng.
Tên đầu đảng, trước sự điềm tĩnh phi thường hết sức bất ngờ của nhà sư, dừng gươm lại và chuồn đi nơi khác.
Nhờ nơi lý thuyết của Phật gia về vấn đề sanh tử hư vô, sư Seigen đem nó tăng gia cho thế lực tinh thần của sư trước sự sanh tử, đó cũng là một cách dùng sức tưởng tượng rất phải đường, tạo cho người một tinh thần hết sức điềm tĩnh.
Tóm, trí tưởng tượng là một sức mạnh rất lớn. Khéo kiềm chế cho trúng tiết, nó làm cho ta có thể thành đặng những bậc vĩ nhân dũng sĩ. Không khéo kiềm chế nó, để nó hỗn tạp lăng toàn, nó trở lại là một sức phá hoại tinh thần con người, làm thành những bộ máy vô hồn, những tinh thần khiếp nhược.
No comments:
Post a Comment